Vinabt.vn

Nghề làm Gỗ Lũa ở Hà Nội

31/12/2016 CÔNG TY TNHH VINABT 0 Nhận xét
Nghề làm Gỗ Lũa ở Hà Nội

Gỗ lũa kết hợp với cây cảnh, đá cảnh là thú chơi và thưởng thức nghệ thuật của ông cha truyền lại. Ở Hà Nội, người làm được gỗ lũa nghệ thuật không nhiều nhưng từ lâu nó đã trở thành mặt hàng cao cấp được ưa chuộng không chỉ với người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

ban-ghe-lua3a

Gỗ lũa là phần lõi bên trong của các gốc cây cổ thụ khô. Là phần gốc, lại là lõi nên gỗ lũa rất cứng, không bao giờ bị mục nát, mối mọt. Từ đây, những nghệ nhân với trị tuệ sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo đã làm nên những vật phẩm để trang trí nội thất, ngoại thất.

Lũa cây có ở suối, núi và đồng bằng, những lũa cây nằm ở đáy suối hoặc ngang dòng suối chảy, được nước suối sói mòn thường là những cây lũa đẹp, có độ đen bóng, có thời gian tương đối dài vì chục năm có khi hàng trăm năm. Loại này được giữ lâu bền, chính vì vậy mà có giá trị cao, những lũa cây trong các khu rừng sâu, trên đèo núi, có nhiều chủng loại, về sáng thế cũng đa dạng, màu sắc uyển chuyển theo mùa của muôn ngàn cây rừng.

Ngày nay người đi rừng, lên núi ngày một tăng để tìm cây về bán cho làng chơi lũa, những lũa cây thuộc khu vực trung du, đồng bằng tuy có cũng nhiều nhưng giá trị vật chất không cao vì phần lớn các cây ở dạng thảo mộc, bán thảo mộc hoặc thiên về phần gỗ thịt không lâu năm, do đó ít lõi, dù thiên nhiên hay con người tạo thành cũng khó có thể giữ được bền lâu.

Điêu khắc gỗ lũa là một công việc đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự say mê. Trước hết, nghệ nhân cần có óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú để có thể nhận ra những hình ảnh sống động từ những rễ cây khô khốc và xấu xí. Ngoài ra cũng cần một số kiến thức về lâm nghiệp để biết gốc cây làm gỗ lũa. Ví dụ, các loại gỗ sao, gỗ hương phải trên 100 tuổi, gỗ mít, gỗ rừng phải được 70- 80 tuổi, xà cừ cũng phải trên 60 năm.

Sau khi có nguyên liệu, bắt đầu quá trình pha chế. Đối với những gốc còn tươi, cần 1- 2 tháng để khô và bớt nhựa. Sau đó, người ta phải khéo léo gọt bỏ phần vỏ ngoài và phần mềm sát vỏ, chỉ lấy phần lõi cây, đó chính là gỗ lũa.

Từ gỗ lũa, bắt đầu quá trình tạo dáng sản phẩm. Lúc này, nghệ nhân phải cân nhắc, suy ngẫm thật kỹ để chọn lựa hình dáng, thế lũa. Có những khi, chỉ một gốc cây mà băn khoăn mãi, đến cả mấy tháng trời mà vẫn chưa tìm ra ý tưởng gì hay.

Gỗ lũa rất cứng, vì vậy việc tạo hình sản phẩm đòi hỏi nghệ nhân phải rất kiên nhẫn với từng nhát dao, đường khắc. Nghệ nhân tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày chỉ để chuốt một cái đuôi con rắn đang quấn vào một thân cây hay cần cả buổi để đẽo một cái miệng con sư tử đang há ra dữ tợn...

Làm ra được sản phẩm gỗ lũa không giống như sản xuất đồ gỗ thông thường. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm đơn chiếc, có thời gian và cách thức làm khác nhau, hầu hết làm bằng phương pháp thủ công, không thể dùng công nghệ để sản xuất hàng loạt được, người làm gỗ lũa ngoài trí tuệ, khả năng sáng tạo, năng khiếu trình độ tạo hình còn cần có bàn tay khéo léo để biến ý tưởng thành hiện thực.Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm không phụ thuộc vào kích cỡ mà ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ bàn tay, khối óc con người. Do đó có tác phẩm giá vài trăm ngàn đồng, có tác phẩm lên tới vài triệu đồng, có khi vô giá.

Gỗ có kích thước lớn, thường được tạo mặt bàn nước. Điều kiện đầu tiên là gốc phải có thế đứng vững, cân bằng. Bề mặt bàn phải phẳng, còn hình dáng mặt bàn lại tuỳ theo trí tưởng tượng của những người nhìn ngắm chúng. Có người nói rằng đó là hình một con cá đang bơi, người khác bảo là một con hà mã.

Phần chân bàn cũng có nhiều dáng vẻ. Khi là một con rồng, lúc lại là con báo vồ mồi, khi khác là một thợ săn đang giương cung... Ghế ngồi cũng “thiên hình vạn trạng”: cái đầu ngựa, một con hươu hoặc một chú kỳ đà đang bám trên một khúc gỗ nhỏ. Đôi khi, chỉ đơn giản là hai thanh gỗ khác màu quấn vào nhau...

Thông thường, để tạo ra một bộ bàn ghế, phải mất ít nhất từ 1- 2 tháng. Bởi vì, không chỉ tạo hình và điêu khắc, nghệ nhân còn phải qua nhiều công đoạn khác nhau như chuốt gỗ, làm bóng, đánh vecni.. Công đoạn nào cũng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận đển trau chuốt và sự cảm nhận nghệ thuật tinh tế. Chỉ một lỗi nhỏ như pha sơn bóng không đủ liều lượng, đánh vecni không đều tay... đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Sau khi đã hoàn chỉnh, các sản phẩm này có thể trường tồn với thời gian. Có những bộ bàn ghế để ngoài trời, mặc mưa to gió lớn, dù bị dầm nước lũ cả tháng vẫn chẳng hề gì. Vì vậy, nếu mỗi bộ bàn ghế hiện nay bán với giá từ 3- 5 triệu, thì đó hoàn toàn là “lấy công làm lãi”.

Tại Thủ đô Hà Nội, gia đình nghệ nhân Phạm Huy Cung nổi tiếng chơi sinh vật cảnh từ nhiều đời nay, do yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật, ông đã đi sâu vào tìm hiểu lĩnh vực này. Vốn là hoạ sĩ, ông lang thang đến những vùng rừng núi, mang về những gốc cây già tưởng như đã bỏ đi. Bằng tài năng và trí tuệ của mình ông đã biến chúng thành những tác phẩm mang đầy tính nghệ thuật, mỗi tác phẩm mang hình tượng đặc trưng khac nhau, có lúc là con rồng, con hươu, con chim, chùm nho, con sóc, mặt người cổ... lúc lại có dáng như nhất sơn, nhị sơn, tam sơn, thế trực, thế huyền... có khi là những vận dụng như bàn ghế, nơi cắm ha, gắn gương trang trí...

Sau nhiều năm say mê với gỗ lũa, 2 vợ chồng ông đã cho ra đời biết bao tác phẩm nghệ thuật, trong đó đáng kể nhất là tác phẩm có lên Long Vân khánh hội, đó là biểu tượng con rồng thế kỷ đang vặn mình bay lên gặp mây vàng, đầu ngoái lại nơi xuất phát, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc.

Hiện tác phẩm được trưng bày tại UBND thành phố Hà Nội, được tạc từ gốc cây nguyên khổ có đường kính 4m, cao 3m, kẹt giữa núi đá hiểm trở vùng rừng sâu Hoà Bình. Bà Nguyễn Hương Ngọc, vợ ông là đồng tác giả cho biết để làm được tác phẩm này, vợ chồng ông bà đã mất 10 năm trăn trở. Từ việc khai thác vôi trong rừng đến ý tưởng sáng tạo kết hợp với sự khéo léo của bàn tay chăm chút, cắt gọt, đánh bóng tạo nên hình ảnh con vật linh thiêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Điểm thuận lợi là hiện nay, nguyên liệu gỗ lũa tương đối phong phú. Thành phố nâng cấp, nhiều cây xà cừ cổ thụ hàng trăm năm bị đốn ngã. Nhiều hộ ở nông thôn cải tạo vườn, chặt bỏ những cây mít hàng trăm tuổi. Gỗ mít màu vàng, lõi bên trong màu đỏ. Do sẵn có, đỡ mất tiền công khai tác và vận chuyển nên sản phẩm tạo từ gỗ mít thường có giá rẻ hơn các loại.

Hiện nay, trên thị trường gỗ lũa được bày bán không nhiều, để mua một sản gỗ lũa nghệ thuật, người ta phải tìm đến những gia đình sành chơi sinh vật cảnh. Khác với các loại nghệ thuật khác, nghệ thuật gốc cây gỗ lũa phải biết khai thác nhưng luôn tôn trọng dáng vẻ tự nhiên. Cùng với bàn tay khéo léo, người nghệ nhân dùng những kỷ xảo thổi vào những vật vô tri vô giác làm chúng trở nên sống động, có hồn. Sản phẩm gỗ lũa đã góp phần làm phong phú cho những loại hình nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam.

Bình luận
popup

Số lượng:

Tổng tiền: